Giống như bất kỳ bản mô tả công việc nào, vai trò của người quản lý email marketing khác nhau theo từng công ty và theo thời gian. Tương tự như phần lớn các chuyên gia truyền thông mới, hồ sơ lý lịch của họ rất khác nhau, và khác với giới kế toán hay luật sư, ở đây không có hồ sơ lý lịch nào là “hoàn hảo” cả.
Rất nhiều chuyên gia email marketing mà tôi từng làm việc cùng có xuất phát điểm là marketing truyền thống, và họ học hỏi về email và marketing tương tác thông qua công việc. Phần lớn đều là những chuyên gia lão làng về marketing, có kinh nghiệm dẫn dắt các chương trình quảng bá và thương hiệu. Một số trong số họ không chủ động tìm kiếm các công việc liên quan đến email. Email tìm đến với họ, và họ gắn bó với nó.
Một số phẩm chất của nhà quản lý email marketing giỏi:
Kinh nghiệm
Email marketing là ấn tượng thương hiệu của chính nó, và không nên coi nhẹ nó. Danh tiếng và thương hiệu của một công ty chịu tác động lớn từ email, do đó hãy bảo đảm rằng bạn có thể thể hiện rằng bạn biết việc mình đang làm là gì.
Linh động
Dù triết lý của công ty là gì, thì những ai phù hợp với công việc hành chính 8 giờ đều đặn mỗi ngày hẳn sẽ thấy rằng email marketing là một công việc bấp bênh và kém hấp dẫn bởi nó hoạt động với tốc độ nhanh trong một môi trường thường xuyên hỗn loạn.
Phối hợp tốt với người khác
Tùy thuộc vào quy mô công ty, đội ngũ nhân sự đảm trách email marketing thường bao gồm nhiều nhóm nhỏ. Dường như sự phối hợp là yếu tố then chốt ở đây. Dù công ty quản lý chịu trách nhiệm thiết kế và triển khai công việc hay phối hợp với bộ phận sắp đặt hàng hóa sao cho sản phẩm cần được nhấn mạnh sẽ được nhấn mạnh, email marketing vẫn là trọng tâm dù rằng nó hoạt động ở một “pháo đài” riêng rẽ.
Email thường liên quan tới những lĩnh vực chủ chốt trong marketing như thương hiệu, quảng bá và quản lý mối quan hệ khách hàng. Việc học cách chung sống gắn bó với những nhóm làm việc khác nhau này là một yêu cầu thiết yếu. Cho dù email marketing mang chức năng bán hàng, marketing, sản phẩm hay công nghệ, bất kỳ ai quản lý email cũng phải chuẩn bị tinh thần rằng trên cương vị của mình, họ sẽ phải tiếp xúc với tất cả các khía cạnh khác.
Cái tôi cao quá sẽ không phát huy hiệu quả
Vì email hiếm khi được chú trọng, và các chương trình email tốt cũng hiếm khi nhận được danh tiếng xứng tầm, bạn đừng hy vọng mình sẽ được ánh đèn sân khấu rọi vào. Nếu bạn cảm thấy thoải mái với việc “núp bóng” những chương trình marketing hấp dẫn và hào nhoáng hơn, mặc dù trong thâm tâm bạn biết rằng chương trình email của mình sẽ mang lại nhiều giá trị hơn, có lẽ bạn là người phù hợp với công việc này.
Có tinh thần mạo hiểm
Trong giới email, các chiến dịch không bao giờ chấm dứt, và việc kiểm nghiệm, đánh giá các chiến dịch là điều quan trọng, song việc này thường cũng dễ đi vào ngõ cụt. Các nhà quản lý email marketing cần phải có tinh thần xông pha mạo hiểm và sẵn sàng đầu tư thêm công sức. Có thể bạn sẽ phải làm thêm việc, nhưng bạn sẽ thấy hào hứng với việc tìm hiểu xem phương pháp nào hiệu quả, và làm thế nào để điểu chỉnh những phương pháp kém hiệu quả.
Sống vì kết quả
Với email, nhà quản lý không thể trốn tránh đằng sau những hình ảnh hoa hòe hoa sói như các đồng nghiệp marketing khác. Con số không biết nói dối, và các số liệu đo lường, các đánh giá, điều chỉnh là yếu tố cần phải có. Kiến thức về các nguyên tắc phân tích và thống kê cũng là những tài sản giá trị.
Biết nhìn xa trông rộng và chú ý tới chi tiết
Bạn có khả năng hòa nhịp với các mục tiêu marketing tổng thể (như nâng cao tỷ lệ nhận biết thương hiệu, gia tăng doanh số…) nhưng đồng thời vẫn theo dõi sát sao những nhu cầu nhỏ nhặt hàng ngày như thiết kế lại các trang đăng ký nhận email sao cho tỷ lệ người đăng ký tăng gấp đôi và kéo các mục tiêu lớn kia vào trong tầm tay không?
Sẵn sàng kiểm soát các vấn đề
Email marketing thay đổi rất nhanh, và một nhà quản lý email marketing cần phải liên tục theo sát để phản ứng lại môi trường email marketing năng động đó. Bởi nếu chỉ đứng yên một chỗ đồng nghĩa với việc bạn đang thụt lùi!