Một số câu hỏi bạn có thể nghiên cứu về yếu tố Khách hàng: Khách hàng của bạn là ai? Mô tả về họ như thế nào? Họ xuất hiện ở đâu? Họ thích gì? Họ có hành vi tiêu dùng thế nào? Họ có thói quen xã hội ra sao? Nỗi đau của họ là gì? Điều khách hàng thực sự mong muốn là gì? Bạn có thể làm gì để giải quyết vấn đề của họ?
Khi mọi thứ xoáy sâu vào Khách hàng, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về chiến dịch cho sản phẩm của mình. Làm marketing không thể thiếu tư duy chiến lược (tư duy này thể hiện qua việc bạn giải quyết yếu tố Khách hàng ra sao) bởi vì marketing là chủ động quản trị quá trình giao tiếp giữa doanh nghiệp và khách hàng. Chữ “chủ động” này cần được hiểu như sau:
1. Hiểu khách hàng để bán đúng cái họ cần, nói đúng cái họ muốn nghe.
2. Hiểu khách hàng để giúp khách hiểu mình, có lý do chọn mình.
Điển hình như việc Starbucks thất bại ở thị trường Australia, có rất nhiều lí do thất bại, nhưng một trong số đó là do Starbucks không hiểu rõ tâm lý khách hàng ở khu vực này. Vốn dĩ người Australia rất coi trọng văn hóa cà phê, đối với họ quán cà phê đóng vai trò là trung tâm cộng đồng. Một quán cà phê theo chủ nghĩa cá nhân, độc lập như Starbucks khó mà phù hợp.
Hơn nữa, chưa kể đến hương vị của thương hiệu này không phù hợp với phần đông khẩu vị của người Australia gốc. Bởi thế, yếu tố khách hàng đóng vai trò trọng yếu trong một chiến lược marketing mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn thành công.
Tiếp đến là 15% – thông điệp. Đơn giản, bạn có thể hiểu rằng: xác định khách hàng rồi, bạn sẽ nói gì với họ. Lúc này đây, content marketing và design được lên ngôi. Nhưng bạn đặc biệt cần chú trọng tới các câu hỏi: Bạn sẽ nói điều gì? Nói như thế nào? Nói bằng phương tiện gì?
Ví dụ: Bạn chẳng thể nào hô hào với các cụ ông cụ bà thời 4x, 5x rằng hãy sống yolo đi.
Bạn cũng chẳng thể nói với các bạn làm về du lịch bằng những ngôn từ và giọng điệu, sắc thái của dân kinh tế. Ngày nay, thông điệp quảng cáo và bán hàng cứ nhan nhản khắp nơi, đến nỗi khách hàng sắp bội thực với mớ thông tin đó. Vì vậy, thông điệp truyền tải cần phải thật tinh tế, để dễ dàng đi vào tâm trí khách hàng và để lại dấu ấn với họ.
Dù chỉ chiếm 15%, nhưng nếu không có thông điệp thì chẳng khác nào bạn chọn được đúng người yêu, nhưng chẳng biết nói lời tỏ tình đúng cách. Tất nhiên anh/cô ấy sẽ về tay người khác mất thôi.
Công cụ, 5% cuối cùng. Thầy của Ngân vẫn thường nói: Công cụ chỉ là cục sắt vô dụng nếu không vào tay đúng người. Điều này cho thấy tầm quan trọng của 2 yếu tố trước đó: Khách hàng và Thông điệp (chiếm đến 95%). Công cụ chỉ chiếm một phần nhỏ, giúp thông điệp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn và làm việc nhanh, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, không nên quá phụ thuộc vào các công cụ hiện có. (Ngân không hề bác bỏ vai trò của công cụ, vì dù gì, nó vẫn chiếm 5% trong tam giác.). Chẳng hạn, đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, bạn có thể sử dụng rất nhiều phương tiện, như đi bộ, xe đạp, xe máy, xe khách, máy bay, tàu hỏa, … Tất cả đều đến nơi, đạt được mục đích của bạn, tùy vào cách sử dụng của bạn thôi.
Bạn có để ý rằng, trước đây, khi Facebook, hay Instagram, Youtube chưa xuất hiện, các chiến dịch marketing với công cụ truyền thống vẫn thành công. Sau này, khi các công cụ khác ra đời, về bản chất marketing thì vẫn giống vậy, chỉ khác là cách biểu hiện ra, tiếp cận khách hàng như thế nào. Chúng ta vẫn mang tư duy chiến lược bỏ vào các công cụ mới đó mà thôi.
Hiện nay, có hơn cả nghìn công cụ phục vụ marketing đang tồn tại, từ online cho đến offline. Cho nên, bạn hãy nghĩ xem, nếu mãi chạy theo việc học dùng tất cả các công cụ, bạn sẽ học đến bao giờ? Chi bằng hãy tập trung vào việc tìm hiểu, nghiên cứu Khách hàng, phát triển tư duy chiến lược, và hiểu bản chất cách các công cụ, nền tảng hoạt động như thế nào?
Chúng ta hãy tập trung vào những gì thuộc về bản chất, để thấu hiểu vấn đề hơn và giải quyết hiệu quả hơn.